MỸ Gần 4.000 người chết do Covid-19 vào ngày 7/1, một ngày sau khi người biểu tình bạo loạn xông vào tòa nhà quốc hội giữa lúc nghị sĩ lưỡng viện xem xét kết quả bầu cử tổng thống.
Với số người tử vong này, 7/1 được coi là ngày chết chóc nhất tại Mỹ, tính đến nay.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 265.246 ca nhiễm mới và 3.998 ca tử vong trong ngày 7/1, theo thống kê của Đại học Jonhs Hopkins. Như vậy, hiện trung bình cứ 33 giây lại có một người Mỹ chết vì Covid-19.
Tính đến ngày 7/1, khoảng 6 triệu người trên khắp nước Mỹ được tiêm phòng mũi vaccine đầu tiên trong số hai mũi, với hơn 21 triệu liều phân phối trên toàn quốc, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Con số đã được tiêm vaccine thấp hơn nhiều so với mục tiêu 20 triệu mà chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện vào cuối năm 2020.
Báo cáo từ Bộ Lao động công bố ngày 8/1, cho thấy nền kinh tế Mỹ tháng 12 tạo ra ít việc làm nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3. Nhiều người lao động đã bị sa thải.
Trước tình trạng quá tải của hệ thống y tế, Mỹ triển khai sớm hơn kế hoạch phân phối vaccine Covid-19 thông qua các hiệu thuốc trên toàn quốc, trong tuần này.
Tình hình dịch bệnh đáng báo động hơn khi biến thể mới của nCoV từ Anh lây lan nhanh chóng sang một số bang của Mỹ, bao gồm New York, Florida, Colorado, California và mới nhất là Pennsylvania. Một biến thể mới của nCoV ở Nam Phi cũng dấy lên quan ngại trên toàn cầu.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết biến thể nCoV từ Nam Phi phức tạp hơn biến thể ở Anh vì một số đột biến của nó có thể có tác động tiêu cực đến hiệu quả của một số kháng thể được sử dụng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết, hai biến thể nCoV mới chưa kháng các loại vaccine tiềm năng hiện nay, cũng như không làm bệnh trầm trọng thêm.