Béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Phẫu thuật đang là phương pháp hiệu quả giúp giảm cân nhanh chóng, loại bỏ và cải thiện đáng kể các vấn đề sức khỏe đối với người bệnh béo phì.
1. Những phương pháp điều trị béo phì
- Thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện: Đây là phương pháp giảm cân bổ ích và lành mạnh nhưng đòi hỏi người bệnh cần phải có sự kiên trì bền bỉ. Trong trường hợp không thể tự luyện tập, người bệnh có thể nhờ sự trợ giúp và giám sát của bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ tâm lý hay huấn luyện viên cá nhân.
- Dùng thuốc điều trị theo toa: Người có nguy cơ mắc béo phì hoặc có chỉ số BMI từ 27 trở lên sẽ được kê một trong số các loại thuốc giảm cân như: thuốc ức chế sự thèm ăn, thuốc ức chế lipase (giảm khả năng hấp thu chất béo).
- Phẫu thuật điều trị béo phì: Đối với những người có chỉ số BMI từ 35 trở lên và không thành công trong những phương pháp giảm cân thông thường có thể cần được phẫu thuật điều trị béo phì. Không chỉ giúp giảm cân, phẫu thuật có thể tác động đáng kể đến các vấn đề về sức khỏe.
2. Khi nào nên thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì?
Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả giúp loại bỏ và cải thiện đáng kể các vấn đề về sức khỏe cũng như tâm lý của người bị béo phì. Tuy nhiên, việc đầu tiên người bệnh cần nhận thức được rằng phẫu thuật không phải là phương pháp dành cho tất cả bệnh nhân bị béo phì. Ngay cả khi bệnh nhân đã đáp ứng đủ hết các điều kiện cần để thực hiện phẫu thuật, thì đây vẫn nên là giải pháp cuối cùng.
Thông thường, bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật là khi đã đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu sau:
- Chỉ số BMI từ 40 trở lên, hoặc từ 30 đến 39,9 và có mắc các bệnh lý nghiêm trọng đi kèm như tiểu đường, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, các vấn đề về khớp, v.v...
- Quá số cân ít nhất là 36 kg (80 pounds).
- Rơi vào độ tuổi từ 18 đến 75.
- Đã có những tiền sử giảm cân thất bại.
- Người bệnh hiểu rõ rằng phẫu thuật chỉ là một phần trong cả quá trình điều trị béo phì. Bên cạnh điều trị ngoại khoa, người bệnh cần tham gia điều trị nội khoa, điều trị tâm lý, và quan trọng là phải thực hiện và duy trì một chế độ ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt, tập luyện điều độ để đạt hiệu quả lâu dài.
3. Những loại phẫu thuật điều trị béo phì phổ biến
Có 4 loại phẫu thuật điều trị béo phì phổ biến hiện nay trên thế giới với mục đích giảm lượng thức ăn đưa vào dạ dày hoặc giảm sự hấp thụ thức ăn vào cơ thể gồm:
- Cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve): Bác sĩ sẽ cắt bỏ khoảng 80% dạ dày và tạo ra một dạ dày hình ống. Sau khi thực hiện, người bệnh sẽ cảm giác ít đói hơn và nhanh no hơn sau khi ăn.
- Nối tắt dạ dày (Gastric Bypass): Bác sĩ sẽ tạo một túi dạ dày nhỏ hơn và nối nó với ruột non giúp người bệnh mau no hơn và giảm hấp thu chất khoáng.
- Thắt đai dạ dày (Lap Band): Bác sĩ thắt một đai quanh phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ phía trên đai, nhờ đó dạ dày sẽ được làm đầy nhanh hơn khi ăn, khiến bệnh nhân có cảm giác nhanh no hơn.
- Chuyển dòng mật tụy (Duodenal Switch): Ở phương pháp này sẽ cần cắt bỏ một phần lớn thể tích dạ dày (như phẫu thuật tạo dạ dày hình ống), chuyển dòng ruột, cắt bỏ túi mật. Kết quả cũng tương tự như các phương pháp trên là người bệnh sẽ cảm thấy ít đói hơn, nhanh no và hấp thụ vào cơ thể ít lượng calo và chất khoáng hơn.
Mỗi phương pháp trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Trong đó, phương pháp phẫu thuật tạo hình dạ dày hình ống, nối tắt dạ dày và chuyển dòng mật tụy mang lại hiệu quả giảm cân và cải thiện sức khỏe tốt hơn. Nhưng những phương pháp này đòi hỏi thời gian lưu viện, hồi phục lâu hơn và yêu cầu người bệnh thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt hơn sau phẫu thuật.
Phương pháp thắt đai dạ dày cũng mang lại hiệu quả giảm cân tốt như các phương pháp trên, nhưng tỉ lệ thành công về dài hạn thấp hơn và đòi hỏi sự theo dõi của bác sĩ nhiều hơn.
Đây là 4 phương pháp đang được áp dụng nhiều nhất tại các trung tâm điều trị béo phì lớn trên thế giới. Trong đó, phương pháp tạo dạ dày hình ống được sử dụng nhiều nhất vì mang lại hiệu quả điều trị béo phì tốt, đặc biệt là hiệu quả điều trị rối loạn chuyển hóa đường đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.
4. Ưu điểm của phẫu thuật điều trị béo phì
Bệnh nhân trải qua phẫu thuật điều trị béo phì có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc chỉ cần lưu viện đến 3 ngày và có thể quay trở lại làm việc sau 3 ngày đến 3 tuần.
Sau phẫu thuật, lượng cân nặng giảm đi phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật được áp dụng và mức độ tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ. Ví dụ như, tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng và phương pháp phẫu thuật, nhiều bệnh nhân có thể giảm 45 kg (100 pounds) hoặc nhiều hơn chỉ sau 12 đến 18 tháng.
Phẫu thuật điều trị béo phì có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của 95% bệnh nhân và giảm 89% nguy cơ tử vong trong 5 năm đầu.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân béo phì với các bệnh lý kèm theo. Cụ thể như: sau phẫu thuật, người bệnh có thể giảm 82% nguy cơ bệnh tim mạch, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể được giải quyết trên 72 - 98% bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân đau nửa đầu là 57%, bệnh nhân trầm cảm 55%, bệnh giả u não 96% bệnh nhân, khó thở khi ngủ 74 - 98% bệnh nhân, rối loạn lipid máu - cholesterol cao 63% -bệnh nhân, suyễn 82% bệnh nhân, cao huyết áp 52 - 92% bệnh nhân, hội chứng chuyển hóa 80% bệnh nhân, tiểu không kiểm soát khi gắng sức 44 - 88% bệnh nhân, đái tháo đường type II 83% bệnh nhân, thoái hóa khớp 41 - 76% bệnh nhân, bệnh ứ máu tĩnh mạch 95% bệnh nhân, gout 72% bệnh nhân...
5. Một số yêu cầu đặc biệt đối với từng loại phẫu thuật
- Cắt tạo hình dạ dày hình ống: Bệnh nhân sẽ được khuyến cáo không được ăn quá nhiều vì sẽ có nguy cơ kéo giãn phần dạ dày nhỏ còn lại, dẫn đến tăng cân trở lại. Bệnh nhân sau phẫu thuật không được ăn quá nhanh vì sẽ gặp khó khăn khi nuốt.
- Nối tắt dạ dày: thường không thể ăn đường vì có thể gặp phải những vấn đề tiêu hóa khó chịu.
- Thắt đai dạ dày: Bệnh nhân sẽ bị khó nuốt nếu ăn quá nhanh; không được ăn uống gì thêm trong vòng 30 phút sau khi ăn.
- Chuyển dòng mật tụy: Bên cạnh những yêu cầu tương tự như đối với phẫu thuật cắt tạo hình dạ dày hình ống, bệnh nhân cần trải qua phương pháp phẫu thuật chuyển dòng mật tụy cần có chế độ bổ sung vitamin chặt chẽ hơn để ngăn ngừa suy dinh dưỡng.