Tư vấn

Triệu chứng đôi mắt nhược cơ


Có tới hơn 50% bệnh nhân nhược cơ than phiền về các triệu chứng ở mắt mà sụp mi và nhìn đôi là hai triệu chứng chủ yếu.


Theo các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, nhược cơlà bệnh tự miễn dịch do cơ thể tự sinh ra một loại kháng thể chống lại các thụ cảm thể acetylcholin của bản vận động cơ vân. Bệnh thể hiện trên lâm sàng bằng dấu hiệu chóng mỏi cơ khi vận động. Hiện tượng này giảm hoặc mất đi nhanh chóng sau nghỉ ngơi hoặc do dùng thuốc ức chế men cholinesterase.

Dưới đây là một số triệu chứng cụ thể:

Sụp mi

Do tổn thương cơ nâng mi trên, bệnh nhân sáng ngủ dậy khó mở mắt, khoảng lúc 9 - 10h sáng mi mắt tự nâng lên, mắt mở to như bình thường, trưa và chiều mi sụp xuống nhưng qua một đêm ngủ nghỉ thì mắt lại mở to. Thời kỳ đầu mi thường sụp ở một bên, về sau thường bị cả hai bên. Ở thời điểm mi sụp, bệnh nhân phải rướn mắt, nhăn trán, ngửa cổ để cố gắng nhìn.

Nhìn đôi

Khi cho mắt chuyển động liên tục thì xuất hiện song thị. Thông thường, cơ thẳng trong bị liệt sớm nhất tiếp đến cơ thẳng dưới. Cơ thẳng trên ít bị và cơ thẳng ngoài hầu như không thấy bị liệt. Sở dĩ có tình trạng đó là vì ở người ta luôn nhìn gần, luôn có động tác điều tiết quy tụ cho nên gây mỏi mệt các cơ có động tác tương ứng.

Ngoài ra, người ta còn thấy cơ vòng cung mi cũng suy yếu, mi nhắm không chặt như ở những mắt bình thường.

Để khẳng định sụp mi do nhược cơ có vài cách đơn giản:

- Test Tensilon: Tiêm tĩnh mạch 2mg. Nếu tình trạng sụp mi được cải thiện rõ thì test (+). Nếu chưa có kết quả thì dùng tiếp một liều 8mg tiêm tĩnh mạch và quan sát tiếp.

- Test Prostigmin: Tiêm bắp 1 - 1,5mg. Triệu chứng sụp mi giảm dần và mất đi sau 30 phút, kéo dài 2h.

- Test túi nước đá: Đo khoảng cách bờ mi trên - bờ đồng tử ở tư thế nhìn thẳng. Đặt túi nước đá lên trên mi mắt thời gian 2 phút. Nếu mi nâng 2mm so với cũ là test (+).

Các dấu hiệu về mắt ở đa số bệnh nhân sẽ được cải thiện khi điều trị nhược cơ bằng các biện pháp như dùng thuốc kháng cholinesterase, steroid liệu pháp, lọc huyết tương hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức. Tỷ lệ bệnh nhân khỏi được các dấu hiệu về mắt sau cắt bỏ tuyến ức 2 năm là 84,1%. 15,9% bệnh nhân còn lại vẫn bị sụp mi ở các mức độ và cần được điều trị tiếp tục bằng thuốc hoặc phẫu thuật treo mi.